Khu vực đồng bằng Sông Hồng bao gồm có 10 tỉnh và thành phố: Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình. Toàn vùng có diện tích tự nhiên là: 15.000 km², chiếm 4,5% diện tích của cả nước; dân số hơn 21 triệu người (năm 2016), chiếm khoảng 22% dân số cả nước. Với 02 trung tâm kinh tế là Hà Nội và Hải Phòng, dân cư đông nên có lợi thế như có nguồn lao động dồi dào, nguồn lao động này có nhiều kinh nghiệm và truyền thống trong sản xuất, chất lượng lao động cao đã tạo ra thị trường có sức mua lớn; Nhà nước và các doanh nghiệp nước ngoài đã đầu tư nhiều vốn và công nghệ vào vùng này, đặc biệt là vùng ngoại thành Hà Nội và các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh. Tuy nhiên, các tỉnh, thành phố trong vùng còn có sự chênh lệch khá lớn về trình độ phát triển, và một trong các nguyên nhân dẫn đến tình hình này là vấn đề nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn, kỹ thuật trong quá trình hội nhập sâu và rộng vào cuộc cách mạng 4.0 hiện nay.
Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên tọa lạc tại khu kinh tế trọng điểm của cả nước: Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, các tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Hồng và cả khu vực Bắc Bộ. Từ đó khẳng định việc Trường đào tạo trình độ đại học các ngành kĩ thuật vừa đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực cao, chuyên sâu của vùng, vừa kéo dãn sức ép về quy mô cho các trường đại học ở Thủ đô Hà Nội là hết sức cần thiết và phù hợp.
Với dân số khoảng 96 triệu người, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình khoảng 7,5%/năm, nhu cầu tiêu dùng của người Việt Nam đối với thực phẩm chế biến ngày càng lớn và phong phú, đặc biệt là nhu cầu về các sản phẩm sạch được chế biến an toàn và tinh tế. Ngoài những ngành kinh tế kỹ thuật chính (rượu – bia – nước giải khát; chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa; dầu thực vật; chế biến bột và tinh bột…). lĩnh vực hóa thực phẩm của nước ta đang ngày càng mở rộng để phục vụ nhu cầu nội địa và xuất khẩu… Cả nước nói chung và vùng đồng bằng sông Hồng nói riêng đang thực sự thiếu những lao động có trình độ chuyên môn và tay nghề vững vàng trong lĩnh vực hóa thực phẩm. Theo huongnghiep24h.com, công nghệ thực phẩm là ngành được xếp thứ hai trong ba nhóm ngành dẫn đầu về nhu cầu nhân lực giai đoạn 2015-2025.
Tỉnh Hưng Yên có 11 Khu công nghiệp với hàng trăm dự án FDI, doanh thu của các doanh nghiệp trong các KCN đạt trên 2 tỷ USD; đóng góp ngân sách nội địa khoảng 700 tỷ đồng; giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho trên 27.000 lao động trong đó có nhiều doanh nghiệp về thực phẩm như công ty bánh kẹo Kinh Đô, công ty mì tôm Uniben, công ty rượu bia Aroma… Các doanh nghiệp này rất cần nguồn nhân lực có trình độ cao để giải quyết các vấn đề về quản lý công nghệ, kỹ thuật trong sản xuất, chế biến thực phẩm. Nhu cầu này còn tăng nhanh theo từng năm bởi nhu cầu phát triển của doanh nghiệp trên địa bàn.
Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên đóng trên địa bàn 2 tỉnh Hưng Yên và Hải Dương, nơi có 7 trường đại học tuy nhiên chưa có trường nào đào tạo ngành Công nghệ Hóa thực phẩm trình độ đại học. Do vậy căn cứ nhu cầu của thị trường lao động đối với ngành và chuyên ngành này, Khoa Công nghệ Hóa học và Môi trường đã xây dựng đề án và đã được Nhà trường phê duyệt, cho phép mở ngành đào tạo trình độ đại học, ngành Công nghệ Hóa thực phẩm từ năm học 2020-2021.
Nội dung đề án được đính kèm ở file dưới đây.